NGUYÊN DO CỦA LỖI LẦM
Nguyên Do của Lỗi Lầm
Xem xét nguyên do của lỗi lầm mà người chí nguyện hay mắc phải là điều hữu ích. Ta có thể ghi ra vài điểm sau:
1. Lỗi lầm do vô minh. Căn bản mà nói thì vô minh có hai loại.
● Loại vô minh do ở mức tiến hóa thấp, đây không phải là trường hợp của người chí nguyện.
● Loại khác sinh ra do sự không quen thuộc với những luật quản trị vật chất, các công thức theo đó việc nên được thực hiện, và các luật kiểm soát nhóm người chí nguyện. Nói chung thì những luật này y như nhau, chỉ thay đổi chút ít tùy theo cung của một người và nhóm riêng biệt. Chúng cũng thay đổi tùy theo mức tiến hóa của người chí nguyện.
Lẽ tự nhiên có nhiều giai đoạn ở giữa. Loại vô minh đầu có thể chữa được theo với thời gian, loại thứ hai nhờ sự áp dụng và chuyên cần của người chí nguyện. Luật karma sẽ điều chỉnh một cái và luật về sự khai mở của linh hồn sẽ điều chỉnh cái kia.
2. Lỗi lầm do không thấy và không nghe về mặt huyền bí. Ta nên biết có 2 loại người chí nguyện.
● Người học bằng tai, tức nghe.
●. Người học bằng mắt, tức thấy.
Sự khác biệt có tính tổng quát và dễ dàng nhận biết khi ta quan sát cách người bạn làm việc. Trong sách 'Light on the Path' ở phần mở đầu có đề cập tới sự phân biệt này, nhưng ít khi ý nghĩa thật của nó được quan tâm đến. Việc đáng chú ý là ai mà hiểu bằng cách nghe thường có liên hệ chặt chẽ hơn với đường tiến hóa của thiên thần, và hay thuộc về những cung ba, năm và bốn. Còn ai học bằng mắt thì thường ở cung hai, sáu và một. Vào lúc này tất cả gặp nhau ở cung bẩy để làm việc chung. Ở đây ta chỉ nói về trường hợp của người chí nguyện mà không nói tổng quát cho người đời trong chu kỳ đặc biệt này.
Lỗi lầm của người học bằng mắt thường có dạng là hướng sai đường năng lực, do nhìn quá mau và diễn giải quá lẹ làng điều họ thấy. Họ là nạn nhân của huyễn ảnh và ảo ảnh theo nghĩa rộng hơn so với người học bằng tai. Ta có thể thấy điều tương tự lý thú khác khi so sánh nhãn quan của người cận và viễn thị, người loạn thị, với các dạng mù quáng khác nhau về tinh thần của người chí nguyện.
Người chí nguyện có tầm nhìn xa thấy được các mục tiêu xa mà Thiên Cơ hay kế hoạch của Chân Sư nhắm tới, mà không thấy phần ngay trước mặt hay không để ý tới những bước sơ khởi. Người khác thì lại mê mải với bước đường kế tiếp và không nhìn thấy chuyện ở xa. Bạn có thể đi sâu thêm để thấy các tương đồng khác.
Ai có lỗi lầm do việc nghe sai lạc thường bị lời nói và âm thanh dối gạt họ, bị dẫn dụ đi sai đường. Họ nghe ra mau lẹ tiếng nói của thiên nhiên và cảm biết nhịp của âm thanh, nhưng không phải lúc nào họ cũng nhận ra được nguồn của điều họ nghe, hay âm thanh không trực tiếp đến với họ. Họ tiến chậm so với nhóm trước, nhưng thành phần của họ có những người giỏi nhất về huyền thuật. Có sự nối kết chặt chẽ giữa tai và huyệt cổ họng (luân xa của âm sáng tạo), cũng y như có liên hệ mật thiết giữa mắt và huyệt giữa hai chân mày.
3. Lỗi lầm do việc coi trọng khả năng của mình. Đây là điều mà người chí nguyện rất thường khi mắc phải. Họ nhận được kích thích của nhóm, và được linh hoạt ít nhiều nhờ có tiếp xúc với Chân Sư. Lẽ tự nhiên họ thành có ý thức về một phần năng lực và lực. Họ cảm thấy như có thể vượt qua được hết mọi khó khăn, và làm được tất cả những gì đòi hỏi. Họ đánh giá quá cao khả năng của mình và nhận làm việc mà họ chưa đủ sức.
Lời khuyên đưa ra cho người chí nguyện là hãy luôn sẵn sàng đảm nhận bất cứ chuyện chi mà Chân Sư giao phó cho mình, nhưng không tự nêu mình cho công việc. Ta hãy tập lắng nghe tiếng nói chỉ đường, và tập nhìn để thấy mọi cửa nẻo đóng chặt trừ một cửa cho ta cơ hội. Phần việc của người chí nguyện là đứng sẵn, mà không tiến ra trước, và ai tỏ ra là người đáng tin cậy đứng chực hờ, chăm chú ở chỗ mà Karma đặt để họ, là người mà Chân Sư có thể giao phó việc đáp ứng với nhu cầu vào bất cứ lúc nào.
Có sự đánh giá quá cao khác về mình, nhưng không phải do lòng hăng hái tinh thần mà là kết quả của lòng kiêu ngạo và thiếu thử thách.
Giải thích thì ta nhận ra điểm yếu của mình qua việc phạm lỗi lầm, bị thất bại, và khi cảm biết đúng đắn thì đó là một kinh nghiệm hết sức giá trị và đáng có. Người chí nguyện giỏi dang có khả năng phụng sự lớn lao, thường được cho phép đảm đương việc quá sức đối với họ, vì người ta nhận ra họ ngầm có ý muốn nhận việc làm to tát nổi bật, và cách chữa duy nhất là giao họ công việc, và rồi thấy họ thất bại do chính mình thiếu khả năng. Khi họ tới giai đoạn không còn tìm cách làm cho mình nổi bật, thì khi ấy lại có chuyện làm họ nổi bật lên.
4. Lỗi lầm sinh ra vì diễn giải sai đặc tính chính của một chu kỳ riêng biệt.
Mỗi chu kỳ thời gian lớn hay nhỏ có nốt hay âm của nó. Người chí nguyện thường tìm cách làm việc của một chu kỳ mà họ không phù hợp về mặt huyền bí. Việc của họ không chừng đã làm xong, và đã nằm sau lưng họ, đó thường là trường hợp của người chí nguyện lớn tuổi, người đã làm xong phần việc của mình nhưng không biết cách để cho thế hệ sau làm việc mà chỉ thế hệ ấy nên làm. Có lẽ trường hợp khác là công việc cho người chí nguyện nằm ở một thập niên trong tương lai, và cho họ trong lúc này là việc chuẩn bị. Thế nhưng họ chạy ào tới làm việc mà lẽ ra nên để cho bạn hữu làm, và họ bị thất bại. Chuyện giản dị là họ diễn giải sai hướng thời gian về mặt này hay kia.
Nói chung một chút thì chuyện có lợi nếu ta vạch ra rằng công việc của người chí nguyện nằm trong các giai đoạn sau:
a. Giai đoạn mà họ thức tỉnh về công việc sẽ làm. Họ khám phá kế hoạch mà họ phải hòa hợp mình vào.
b. Giai đoạn trong đó họ chuẩn bị cho công việc, và làm cho mình thích hợp để thực hiện nó.
c. Thông thường phải mất mười năm để họ đặt nền tảng cho việc làm của mình, chọn lựa bạn đồng sự và khởi sự công chuyện.
d. Họ làm việc hai mươi năm và đạt thành công ít nhiều.
e. Giai đoạn họ là người cố vấn - do kinh nghiệm và hiểu biết của mình - và là bạn của nhóm người chí nguyện trẻ hơn, cống hiến cho kẻ sau minh triết có được nhờ nỗ lực, thất bại, thành công và thời giờ. Họ có kinh nghiệm, và thành quả những kinh nghiệm của họ thuộc về nhóm người phụng sự của thời đại mới.
5. Lỗi lầm do tánh khí. Loại này có nhiều và sinh ra do mức tiến hóa của họ, mức làm chủ bản thân, đặc tính của các thể của họ, và tính chất những cung quản trị họ. Có nhiều lỗi như vậy khác nhau.
6. Lỗi lầm dựa trên:
● Không nhận ra cơ hội.
● Không thể làm việc với những ai liên kết với họ do nhân quả.
● Không có khả năng hợp tác với những ai mà họ không cảm thấy được thu hút.
Có rất nhiều duyên cớ dẫn tới sai sót, và nhiều cơ hội sinh ra lỗi lầm. Chúng không quan hệ nếu người chí nguyện mau lẹ nhận ra nguồn gốc sinh ra lầm lỡ, hăng hái chữa lại điều bất hảo sau đó, và cẩn thận tránh sai sót tương tự trong tương lai. Khi anh xem xét lại quá khứ, sửa chữa trong hiện tại. và làm việc khôn ngoan trong tương lai, anh sẽ mau lẹ đặt mình vào sân trường của việc phụng sự hữu hiệu.
The Value of Mistakes - The Tibetan
The Beacon, Sep. 1947